Nghị quyết quy định mức thu, quản lý, sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai của Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai quy định, đối tượng nộp phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản là khoáng sản kim loại và khoáng sản không kim loại là các tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Trên khai trường khai thác quặng đồng Sin Quyền (Lào Cai). |
Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong diện tích đất ở thuộc quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân để xây dựng các công trình của hộ gia đình, cá nhân trong diện tích đó và trường hợp đất, đá khai thác để san lấp, xây dựng công trình an ninh, quân sự, phòng, chống thiên tai, khắc phục, giảm nhẹ thiên tai... thì không phải nộp phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản đó.
Mức phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản tận thu, mức thu bằng 60% mức phí của loại khoáng sản tương ứng và được áp dụng trong các trường hợp: Hoạt động khai thác khoáng sản còn lại ở bãi thải của mỏ đã có quyết định đóng cửa mỏ, hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức, cá nhân không nhằm mục đích khai thác khoáng sản, không có chức năng, nhiệm vụ hoặc có đăng ký kinh doanh, trong quá trình hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ hoặc trong chuyên ngành đã đăng ký mà thu được khoáng sản.
Trong số 15 quặng khoáng sản kim loại thuộc đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường, có 5 loại quặng chịu phí cao nhất ( 270.000 đồng/tấn gồm khoáng sản : vàng, bạch kim, bạc, thiếc, chì, kẽm, coban, molipden, thủy ngân, magiê, vanadi. Bên cạnh đó 22 loại khoáng sản không kim loại, chịu phí cao nhất là đá block 90.000 đồng/m3.
Cục Thuế tỉnh Lào Cai là cơ quan được Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai giao nhiệm vụ thu phí bảo vệ môi trường đối với khoáng sản và 100% số tiền phí thu kể trên được nộp vào ngân sách Nhà nước.
Tin và ảnh: Phạm Ngọc Triển